Định hướng hoạt động thông tin điện tử năm 2021

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa tổ chức buổi Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020, chủ yếu về trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trò chơi điện tử và cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông, cùng định hướng phát triển trong năm 2021.

Thực trạng chung

Tính đến hết 30/9/3030, cả nước có 1691 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép nhưng số trang nhận được lượng truy cập lớn, có tầm ảnh hưởng không quá 20 trang. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép chiếm 0,17% trên tổng số 1 triệu trang web tiếng Việt đang tồn tại trên mạng (số liệu Trung tâm không gian mạng Viettel cung cấp).

Tính đến 30/10/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 728 giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên số lượng mạng xã hội có từ 1 triệu người sử dụng trở lên chỉ chiếm dưới 10%. Trong khi số lượng người Việt Nam sử dụng mạng Facebook là khoảng 65 triệu và YouTube là 60 triệu.

Tính đến 30/10/2020, đã có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, trong đó có 4 doanh nghiệp đã dừng hoạt động và 50 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do không hoạt động, không làm các thủ tục cơ quan quản lý yêu cầu và cơ quan quản lý liên hệ cũng không được.

Định hướng hoạt động thông tin điện tử năm 2021

Định hướng trong năm 2021

Bộ TT&TT đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và đang thực hiện quy trình đề xuất sửa đổi, bổ sung. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động.

Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên nhằm khắc phục những khoảng trống pháp lý, các vấn đề mà những Nghị định nêu trên chưa điều chỉnh tới. Thông qua đó nhằm minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ cũng yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp dành sự quan tâm, đầu tư góp ý cho các dự thảo NĐ nêu trên, để các chính sách khi được ban hành thực sự phát huy hiệu quả, hỗ trợ được các DN trong nước phát triển.

Tình trạng báo hóa mạng xã hội thời gian gần đây khá nổi cộm, gây phản ứng mạnh trong dư luận xã hội. Do đó, trong năm 2021, Bộ TT&TT sẽ tập trung chấn chỉnh hoạt động này; không để tái diễn tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để “báo hóa” mạng xã hội. Bộ cũng tiếp tục duy trì các biện pháp nhằm khắc phục triển để tình trạng báo hóa “trang tin”.

Ngoài ra, các biện pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn các nền tảng xuyên biên giới cũng sẽ được tăng cường, nhất là tập trung xử lý các kênh YouTube kiếm tiền có nội dung nhảm nhí. Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng này không chia sẻ doanh thu quảng cáo trên các kênh vi phạm, nếu tái phạm sẽ yêu cầu xóa toàn bộ kênh. Đồng thời, phối hợp với Tổng cục Thuế thu thuế đối với các kênh bán hàng trên Facebook, làm nội dung trên YouTube,…

Đối với mảng game, Google, Apple, Facebook được yêu cầu hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ, không quảng cáo cho các game không phép, có yếu tố cờ bạc, bạo lực, dung tục. Đồng thời Bộ TT&TT đề nghị Google, Apple nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước cung cấp game trên các nền tảng ứng dụng của các hãng này.

Ngoài ra, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định, đặc biệt là đối với các trường hợp game có hình ảnh sơ đồ, bản đồ chứa đường lưỡi bò, vi phạm chủ quyền lãnh thổ hoặc các trường hợp tên đơn vị hiển thị trên kho tải không đúng với tên đơn vị đã được cấp quyết định phê duyệt trò chơi. Trường hợp cần thiết sẽ phối hợp hoặc chuyển các cơ quan chức năng có liên quan như Bộ Công an (theo dõi, xử lý game có dấu hiệu vi phạm hình sự), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (quản lý kênh thanh toán), Bộ Công Thương (quản lý các chương trình khuyến mại cho game), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lý, cấp phép tổ chức các giải đấu game tại địa phương),… để xem xét, phối hợp xử lý theo thẩm quyền.

Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh để mọi người có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng. Đồng thời triển khai xây dựng hệ thống theo dõi và giám sát hoạt động cung cấp thông tin trên mạng để phục vụ hiệu quả công tác quản lý.

Mời bạn chấm sao cho bài này

Số lượt: [0]. Điểm trung bình: [0/5]

Góc quảng cáo, cám ơn bạn
DMCA.com Protection Status